Blog Details

  • Home / Uncategorized / Basicneeds Việt Nam…
Basicneeds Việt Nam – Điểm tựa của những bệnh nhân tâm thần

Basicneeds Việt Nam – Điểm tựa của những bệnh nhân tâm thần

(Báo Thừa Thiên Huế)

Nhiều bệnh nhân tâm thần phân liệt, rối loạn lo âu, bệnh nhân động kinh ở Thừa Thiên Huế có dấu hiệu phục hồi dần chức năng, tái hòa nhập cộng đồng từ sự hỗ trợ sinh kế của Dự án Basicneeds Việt Nam do Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh phụ trách.

Nâng bước cho người bệnh

Hơn một năm nay, không chỉ gia đình ông Nguyễn Ích Châu mà nhiều người dân xã Thủy Thanh cũng vui mừng trước sự hồi phục bệnh tình của chị Nguyễn Thị Mùi. Chị Mùi, sinh năm 1968, sinh ra và lớn lên bình thường như bao người khác. Năm 23 tuổi, do bị sốc về tâm lý, chị Mùi rơi vào trạng thái mất ngủ, lên cơn co giật, đập phá đồ dùng, không chịu tiếp xúc với mọi người… Nhờ sự động viên thường xuyên của các hội viên phụ nữ, sự tận tụy của gia đình, chị Mùi dần đi lại được và bắt đầu tiếp xúc với những người thân xung quanh. Năm 2011, khi xã Thủy Thanh được Dự án Basicneeds Việt Nam chọn làm điểm cho chương trình “Hỗ trợ xây dựng mô hình chăm sóc sức khỏe tâm thần cộng đồng và phát triển”, chị Mùi đã tham gia lớp học làm nghề chổi đót. Lúc đầu, chị gặp không ít khó khăn và đã có ý định bỏ cuộc, tuy nhiên được sự động viên, dìu dắt của các người thân và các chị phụ nữ trong xã, chị Mùi đã vượt qua những trở ngại ban đầu,tiếp tục theo học. Sự nỗ lực của chị đã được đến đáp. Được làm việc và gặp gỡ với nhiều người, bệnh của chị dần thuyên giảm. Chị Mùi đã đi được xe đạp, tự làm chổi để bán. Hôm chúng tôi đến, chị đang tập văn nghệ để tham gia biểu diễn tại “Ngày hội gia đình với sức khỏe tâm thần” sắp được tổ chức. Không những thế, chị còn dạy lại cách làm chối cho hai em cũng bị bệnh tâm thần phân liệt như mình.

Bị tâm thần phân liệt, anh Nguyễn Minh Sơn, phường Kim Long, TP Huế may mắn được chị Linh cùng xóm yêu thương lấy làm chồng. Nhận được tình yêu thương của vợ, sức khỏe của anh Sơn dần hồi phục. Đặc biệt, khi được Dự án Basicneeds tặng xe xích lô, anh Sơn dần phát huy vai trò làm chồng, làm cha của mình với nghề đạp xích lô chở vật liệu xây dựng. Ngoài ra, anh còn tích cực tham gia câu lạc bộ “Tự vững” dành cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân để có cơ hội giao lưu, học hỏi và hòa nhập với cộng đồng.

Được hỗ trợ 5 triệu đồng từ vốn vay của dự án, được tập huấn cách sử dụng vốn vay có hiệu quả, chị Lê Thị Hạnh, bệnh nhân bị bệnh động kinh của phường Kim Long đầu tư mua dụng cụ nấu rượu, kết hợp sử dụng bã hèm làm thức ăn chăn nuôi lợn. “Tuy còn khó khăn vì còn phải nuôi con ăn học, nhưng có việc để làm, lại được xã hội quan tâm nên tui thấy trong người đỡ hơn hẳn, không căng thẳng và mất ngủ thường xuyên như trước đây nữa”, chị Hạnh tâm sự.

Tự tin hòa nhập cộng đồng

Chị Phạm Thị Lan, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN tỉnh cho biết, khi tiếp nhận phụ trách về hỗ trợ sinh kế cho bệnh nhân tâm thần, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức các lớp tập huấn cho đội ngũ cán bộ hội các cấp kiến thức về sức khỏe tâm thần; mô hình chăm sóc sức khỏe cộng đồng và phát triển các kỹ năng thiết yếu để triển khai mô hình đạt hiệu quả; tiến hành truyền thông cho hội viên, người dân thay đổi quan niệm, thái độ đối với người rối loạn tâm thần; nâng cao nhận thức về sức khỏe tâm thần, kỹ năng sống cho cộng đồng nơi bệnh nhân sinh sống, giúp phòng ngừa bệnh, phát hiện sớm, kịp thời can thiệp.

Từ khi tiếp nhận phụ trách về hỗ trợ sinh kế cho bệnh nhân tâm thần của tổ chức Basicneeds, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức đào tạo nghề, giới thiếu việc làm, hỗ trợ vốn làm ăn, tặng quà, phát triển kinh tế… cho 137 bệnh nhân bị bệnh tâm thần phân liệt, động kinh, rối loạn lo âu và người nhà bệnh nhân của 9 xã, phường thuộc TP Huế, thị xã Hương Thủy và huyện Phú Vang, với tổng số tiền gần 400 triệu đồng. 

Để bệnh nhân dần phục hồi chức năng, trở lại cuộc sống bình thường, Hội LHPN tỉnh đã vận động, hỗ trợ bệnh nhân và người nhà bệnh nhân tham gia các hoạt động sinh lợi phù hợp với khả năng, sức khỏe của họ như: mở các lớp học làm chổi đót, nghề may, thợ chạm thủ công mỹ nghệ; hỗ trợ vốn vay với lãi suất thấp cho bệnh nhân làm ăn. Đồng thời, tổ chức các lớp “Kiến thức phát triển sinh kế”, phố biến kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm, công tác thú y, phương pháp sử dụng vốn vay cho hợp lý… Sau khi tham gia các lớp học, tinh thần, tâm trạng của các bệnh nhân thay đổi tích cực, nhiều người bắt đầu áp dụng kiến thức vào lao động, sản xuất.

Ngoài ra, để có môi trường cho những người có cùng hoàn cảnh gặp gỡ, chia sẻ những tâm tư tình cảm để vươn lên hòa nhập cộng đồng, Hội LHPN tỉnh đã thành lập các câu lạc bộ hỗ trợ chăm sóc bệnh nhân, hòa nhập cộng đồng. Hiện nay, hội đã thành lập được 3 câu lạc bộ “Tự vững” ở các xã Thủy Thanh (Hương Thủy), Phú Thượng (Phú Vang), Kim Long (TP Huế) với 60 thành viên. Qua các đợt sinh hoạt các thành viên được tham gia các trò chơi giải trí, tư vấn sức khỏe…

Chị Phạm Thị Lan cho biết thêm, thời gian tới, Hội LHPN tỉnh tiếp tục rà soát, tập hợp những đối tượng bệnh nhân và người nhà bệnh nhân để thực hiện tốt mục tiêu của Dự án Basicneeds Việt Nam và cũng là thực hiện tốt phong trào thi đua, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của hội, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội địa phương, nhất là trong thực hiện chính sách an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo.

Theo Báo Thừa Thiên Huế

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *